Làng nghề mây tre đan thuộc thôn Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên. Năm 2004, làng nghề xứng đáng được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống mây giang đan Ngọc Động và có 3 nghệ nhân, 10 thợ giỏi được công nhận vì đã có công lao đóng góp cho sự phát triển làng nghề.
Làng nghề hoạt động với mô hình sản xuất theo hộ gia đình là chính, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm lại phải thông qua một số người. Điều này thường gặp nhiều ở làng nghề. Những người này có vốn, nắm bắt được thông tin nên họ đứng ra đặt hàng rồi thu gom hàng để bán.
Ngày mới ra đời, ở đây chủ yếu sản xuất ghế mây. Sản phẩm này ngay lập tức được nhiều người chấp nhận bởi mẫu mã đẹp lại phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Càng ngày tiếng tăm của làng nghề càng vang xa, người về đặt mua sản phẩm, người bán nguyên liệu ngày một tấp nập. Bộ salon mây kê ở nhà sàn Bác Hồ chính là do dân làng Ngọc Động đã biếu Bác. Lúc Bác Hồ còn sống, dân làng Ngọc Động đã biếu người một bộ phô tơi (gồm 6 chiếc ghế salon và 1 chiếc ghế chao). Bộ salon này được Bác kê ở nhà sàn để tiếp khách. Đại sứ quán nước cộng hoà DCND Triều Tiên cũng đã về Ngọc Động đặt mua 1 bộ salon cho chủ tịch Kim Nhật Thành.
Nghệ nhân Minh bên sản phẩm ghế mây độc đáo -
bản sao của chiếc ghế mây mà nhóm nghệ nhân
làng Ngọc Động đã dành tặng Bác Hồ
Người dân trong làng sử dụng các nguyên liệu từ mây, giang, song và sản xuất ra các sản phẩm mây xiên gồm hàng ngàn loại sản phẩm như: Bát, đĩa, vali, thùng tròn, thùng bầu dục bộ ba, khay vuông, khay chữ nhật có cửa, âu trầu, lọ hoa, lọ lục bình… phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt do lợi ích sử dụng bền chắc, đẹp và không ảnh hưởng môi trường nên được khách nước ngoài rất ưa chuộng.
Cũng như nhiều làng nghề khác, nghề mây tre đan ở Ngọc Động đã gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi cơ chế. Song lớp thợ Ngọc Động đã trăn trở tìm cách nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã tìm kiếm thị trường ở khắp nơi trên Thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Pháp , Canada , Nga. Balan…. Nhờ vậy làng nghề đã trụ vững và đi lên.
Doanh thu từ xuất khẩu năm 2003 đạt 13 tỉ đồng, chiếm 86,6% tổng doanh thu của làng.
Do nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ hàng mây giang đan ngày càng tăng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp trong làng nghề đã mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư nhà xưởng, thiết bị, cải tiến công nghệ: nhuộm, sơn, hấp, sấy màu, nhà trưng bày… nhằm đa dạng hoá mẫu mã, tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động sản xuất, cải thiện môi trường.
Một số hình ảnh về làng nghề, sản phẩm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét